banner-topbar
Blog

5 bài học kinh doanh từ 'Shark Tank: Thương vụ bạc tỷ'

5 bài học kinh doanh từ 'Shark Tank: Thương vụ bạc tỷ'

 Đây là một chương trình truyền hình thực tế “tàn bạo”, có thể khiến cả start-up non trẻ lẫn những người đã có ít nhiều kinh nghiệm kinh doanh phải vỡ mộng. Những chất vấn trực diện, không khoan nhượng, đi thẳng vào bản chất vấn đề doanh nghiệp của các “cá mập” không khác gì một cú tát khiến những kẻ mộng mơ phải choàng tỉnh.

 Nhưng mặt khác, chính những nhà đầu tư dạn dày kinh nghiệm thương trường trong “Shark Tank” đã chỉ ra cho người xem những bài học kinh doanh cực kỳ quan trọng, nhất là trong trường hợp bạn muốn mở rộng qui mô, tăng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức lên một tầm cao mới.

Xem bài viết để biết về 5 bài học kinh doanh cơ bản ta học được từ "Shark Tank"!

Bài học 1: Đã kinh doanh, là phải có con số đo lường

Nhiều lời để làm gì, vẽ vời ra một bức tranh tương lai hoành tráng để thuyết phục ai… - nếu như bạn không thể xác định thực trạng công ty và đánh giá tiềm năng phát triển của doanh nghiệp bằng các số liệu cụ thể?

Vì sao bạn có thể định giá công ty trị giá hàng trăm tỷ đồng và kêu gọi các Shark rót vốn - nếu như sau 3-4 năm hoạt động, công ty của bạn vẫn đang thua lỗ; tỷ lệ tiền nguyên liệu – nhân công – mặt bằng… của bạn chiếm phần trăm quá lớn trên tổng giá thành sản phẩm; bạn không thể xác định được sao bao nhiêu lâu thì có thể hoàn vốn cho nhà đầu tư…?

Các nhà đầu tư luôn quản lý vốn của mình rất chặt chẽ, vì thế họ sẽ không bao giờ tin 100% vào bài thuyết trình có vẻ rất hứa hẹn của bạn về một tốc độ phát triển thần kỳ. Niềm tin của họ đối với bạn đơn giản là không tồn tại, nếu như các con số thực trạng của doanh nghiệp bạn thiếu rành mạch, mơ hồ, không minh bạch, không đủ thuyết phục.

Bài học 2: Phải xác định và tập trung phát triển USP – lợi thế bán hàng độc nhất

USP – lợi thế bán hàng độc nhất là điều tạo nên sự khác biệt của công ty bạn – khiến bạn có thể tồn tại giữa thị trường dù bạn mới chỉ là một “con cá nhỏ”. Hay nói cách khác, USP là điều quan trọng nhất tạo ra năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp.

Thực tế là đã có rất nhiều công ty cung cấp một sản phẩm/dịch vụ giống bạn hoặc na ná giống bạn. Nếu như thứ bạn tạo ra chỉ có một vài ưu thế nhỏ mà người khác hoàn toàn có thể bắt chước, thì ngay khi “các ông lớn” nhận thấy tiềm năng, với việc họ đã có sẵn nhà xưởng qui mô, chuỗi phân phối rộng khắp, nhân lực và nguồn vốn dồi dào… - họ có thể nhanh chóng copy và nâng cấp sản phẩm của bạn, hạ giá thành sản xuất và “bóp chết” sự phát triển của start-up non trẻ là bạn. 

Đó chính là lý do vì sao bạn nhất định phải tìm được USP của công ty, lợi thế này có thể bắt nguồn từ sản phẩm (thường dựa vào một công nghệ/bí kíp thủ công cao cấp, một phát minh được cấp bằng sáng chế và có bản quyền sở hữu trí tuệ…) hoặc chiến lược marketing tập trung vào phân khúc vẫn còn nhiều tiềm năng.

Bài học 3: Chiến lược “dùng tiền” không rõ ràng và hợp lý, đừng mong gọi vốn thành công

Chiến lược “dùng tiền” – hay nói rộng ra, chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo (giả sử như gọi vốn thành công) là cực kỳ quan trọng đối với những nhà đầu tư. Họ không thể ném tiền qua cửa sổ, nên nếu không có kế hoạch sử dụng đồng tiền hợp lý nhằm đảm bảo KPI, thì dù sản phẩm/dịch vụ của bạn có tiềm năng đến đâu, các “cá mập” cũng rất khó tin tưởng và giao phó những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bao con người vào tay bạn.

Về tổng quan, chiến lược phát triển thường xoay quanh các đầu việc lớn: Hướng mở rộng “độ phủ sóng” của thương hiệu; hướng nâng cao công suất; hướng đào tạo nhân sự - đặc biệt là đầu tư vào nhân sự có tư duy mạch lạc về tài chính và kinh doanh; hướng phát triển đa sản phẩm, đa dịch vụ…

Bài học 4: Đầu tư vào con người nhiều khi còn quan trọng hơn đầu tư vào sản phẩm/dịch vụ

Ai đã xem “Shark Tank” tập 1 năm 2018 chắc hẳn đều rất ấn tượng với cô gái sinh năm 1992 Lê Hồng Thảo Quyên – CEO của mạng kết nối ViralWorks – người đã được cả 5 “cá mập” giành giật. Bản thân sản phẩm của Quyên đã hấp dẫn, nhưng điều quan trọng hơn cả là cô sở hữu một đầu óc tư duy cực kỳ mạch lạc và hiện đại, biết rõ mình ở đâu và mình có thể làm gì để công ty đi xa hơn nữa. Cô đã trình bày chiến lược hoạt động của doanh nghiệp với các Shark một cách chín chắn, đầy tự tin và bản lĩnh, không e ngại các câu hỏi khó và cũng thể hiện tinh thần cầu thị rất cao. Chính vì vậy, Shark Phú mới nói một câu rất ấn tượng: “Nghe một hồi thì anh cũng chưa hiểu công ty em làm cái gì. Nhưng anh muốn mua em!”.

Ngược lại, nhiều khi sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cũng có tiềm năng phát triển khá lớn. Nhưng founder/người điều hành chính của công ty đó lại không khiến các nhà đầu tư an tâm khi rót vốn. Có thể là anh ta/cô ta không có nền tảng tốt về kinh doanh và tài chính, có thể là họ có cá tính quá mạnh để có thể làm việc nhóm và tìm ra tiếng nói chung, có thể là họ quá ba hoa, thậm chí ảo tưởng khi thuyết trình – khiến nhà đầu tư khó lòng đặt niềm tin.

Bài học 5: Phải lựa chọn người đồng hành có thể giúp mình phát triển

Nhiều người nghĩ rằng khi đi gọi vốn, cái quan trọng nhất là tiền. Suy nghĩ này có thể khiến họ bị lệch hướng khi trình bày vấn đề trước các “cá mập”. Thực chất, đã rất nhiều lần trong chương trình, các nhà đầu tư nêu lên quan điểm: “Tôi thấy rằng nếu như mình có tham gia, tôi cũng không giúp ích được gì thêm cho các bạn”. Họ nói như vậy, bởi vì ngoài việc rót vốn, họ còn dành cho các start-up, các doanh nghiệp những tư vấn về chuyên môn và kinh doanh, những mối quan hệ, và một phần nào đó những cơ sở hạ tầng về sản xuất và chuỗi phân phối. Nếu họ đánh giá rằng doanh nghiệp của bạn phù hợp, có thể phát triển và phối hợp tốt với các bộ phận khác trong hệ sinh thái của họ; cũng như họ đã có sẵn tiềm lực để trợ giúp bạn (về nhiều mặt khác ngoài tiền đơn thuần) – thì tỷ lệ đầu tư của các “cá mập” cũng trở nên cao hơn. 

Vì lẽ đó, nếu như bạn đang kêu gọi vốn để phát triển doanh nghiệp, bạn không nên chỉ quan tâm tới tiền, mà còn cần tìm kiếm một người dẫn dắt, hỗ trợ bạn xây dựng chiến lược, sẵn sàng đồng hành với bạn trong một thời gian dài.

Xét về nội bộ công ty cũng như vậy, bạn cần tìm kiếm những người có thể bù đắp những khuyết điểm mình còn thiếu sót. Nhiều chuyên gia đã xác định: Một start-up lý tưởng cần có 3 người đảm nhiệm 3 vai trò: Một người tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ, một người đảm nhiệm kế toán – tài chính, một người phụ trách marketing và quảng bá.

___

Click vào đây để tham khảo Tủ sách Kinh doanh - Lãnh đạo - Quản trị hấp dẫn nhất do 1980 Books xuất bản.

Đang xem: 5 bài học kinh doanh từ 'Shark Tank: Thương vụ bạc tỷ'

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng